Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Phải làm sao khi chuyển tiền nhầm tài khoản?

Người dùng tài khoản ngân hàng hãy thật cẩn thận và lưu ý trước khi chuyển tiền để tránh trường hợp nhầm lẫn.

Theo thông tin của nhiều ngân hàng, tình trạng chuyển tiền nhầm tài khoản là rất phổ biến. Số tiền có thể dao động từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Trong trường hợp này, người dân cần bình tĩnh dựa trên các quy định pháp luật để xử lý vướng mắc nêu trên.

Khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình, người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó

Theo khoản 1 Điều 579, khoản 1 Điều 580 Bộ luật Dân sự 2015, người chiếm hữu tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả lại toàn bộ tài sản cho người đó. Như vậy, khi nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình, người đó phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo đúng quy định pháp luật.

Việc chiếm giữ, sử dụng số tiền chuyển nhầm là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức. 

Nghĩa vụ của ngân hàng khi xử lý các giao dịch chuyển tiền nhầm

Khi chuyển tiền nhầm, chủ tài khoản thường nghĩ ngay đến việc thông qua ngân hàng để hủy/ hoàn lệnh chuyển tiền để nhận lại số tiền chuyển nhầm. Tuy nhiên, các lệnh chuyển tiền giữa các ngân hàng trên mạng Internet diễn ra rất nhanh, từ 1 – 2 giây đã có thể báo có trên tài khoản người nhận. Ngân hàng không thể tự ý chuyển khoản giữa các tài khoản với nhau.

Cho nên, để xử lý các giao dịch chuyển tiền nhầm, chủ tài khoản cần ý thức rõ rằng cần sự phối hợp giữa ngân hàng và người nhận tiền chuyển khoản nhầm, trong đó ngân hàng ở vị trí người hỗ trợ các bên làm việc với nhau.

 

 

Theo Điều 33 Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia:

  • Sau khi chủ tài khoản yêu cầu ngân hàng hủy và hoàn trả lệnh thanh toán, ngân hàng chủ tài khoản thực hiện các bước xử lý lệnh nội bộ theo luật định.
  • Sau đó, ngân hàng của người nhận chuyển tiền nhầm sẽ gửi ngay thông báo yêu cầu hoàn trả của chủ tài khoản cho người nhận tiền. Trong trường hợp người này đồng ý chuyển trả thì ngân hàng mới được phép lập lệnh hoàn trả.

Từ quy định của pháp luật, người thực hiện giao dịch chuyển tiền nhầm cần thông báo ngay với ngân hàng quản lý tài khoản của mình để ngân hàng nhanh chóng thực hiện các bước xử lý nêu trên.

Khi xử lý vướng mắc này với ngân hàng, chủ tài khoản cần lưu ý:

  • Ngân hàng là bên hỗ trợ trao đổi giữa chủ tài khoản và người nhận số tiền chuyển khoản nhầm. Thông tin người nhận có thể không được công khai cho chủ tài khoản được biết vì đây là thông tin cá nhân.
  • Ngân hàng không thể thực hiện lệnh hoàn lại tiền nếu không có sự đồng ý của người nhận. Do đó, chủ tài khoản nhận lại được số tiền hay không phụ thuộc vào mức độ thiện chí của người nhận.

Người nhận tiền chuyển khoản nhầm không hoàn trả, chủ tài khoản có thể làm gì?

 


Người nhận tiền chuyển khoản nhầm không hoàn trả là vi phạm quyền sở hữu tài sản của chủ tài khoản. Trong trường hợp này, pháp luật có quy định đầy đủ các quyền để chủ tài khoản yêu cầu hoàn lại số tiền, cụ thể:

  • Yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính:

Theo điểm đ khoản 2, điểm b khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, người thực hiện hành vi chiếm giữ tài sản của người khác bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải trả lại tài sản.

 

Chủ tài khoản có thể yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính tại Ủy ban nhân dân cấp xã/ phường/huyện/quận/thành phố/tỉnh nơi người nhận cư trú.

  • Khởi kiện dân sự tại Tòa án có thẩm quyền:

Theo khoản 1 Điều 4, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, chủ tài khoản có thể khởi kiện vụ việc tại Tòa án cấp huyện có thẩm quyền nơi người nhận cư trú.

  • Tố cáo vụ việc tại Cơ quan công an có thẩm quyền:

Khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội Chiếm giữ trái phép tài sản: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên bị giao nhầm sau khi chủ sở hữu yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì: (i) bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, hoặc (ii) phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm, hoặc (iii) phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.

Chủ tài khoản có thể yêu cầu khởi tố người nhận tiền với tội danh “Chiếm giữ trái phép tài sản” tại Cơ quan công an quận/huyện/thành phố nơi người nhận cư trú.

 

Trong quá trình xử lý, chủ tài khoản có thể gặp các tình huống khó khăn như: không thể liên hệ với người nhận (vì họ không còn sử dụng tài khoản thường xuyên, không cập nhật thông tin tài khoản), người nhận sống xa nơi ở của chủ tài khoản (mất thời gian, chi phí, công sức gửi yêu cầu xử lý với cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Do đó, người dùng tài khoản ngân hàng hãy thật cẩn thận và lưu ý trước khi chuyển tiền để tránh trường hợp nhầm lẫn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.