Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Những vấn đề pháp lý về nhượng quyền thương mại tại Việt Nam

Khi thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại, các thương nhân cần phải trang bị và hiểu rõ các quy định pháp luật đảm bảo giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

Nhượng quyền thương mại đang trở nên ngày càng phổ biến và phát triển trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giáo dục, y tế, thực phẩm và đồ uống, dịch vụ kinh doanh, du lịch và khách sạn, làm đẹp, thời trang, giải trí, dịch vụ trẻ em, cửa hàng tiện lợi… Trong đó, Việt Nam được Hiệp hội nhượng quyền quốc tế (IFA) đánh giá là một trong những thị trường nhượng quyền tiềm năng và hứa hẹn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, để đảm bảo việc nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần phải có sự hiểu biết toàn diện về các quy định quản lý việc thành lập và hoạt động nhượng quyền thương mại.

Để biết thêm thông tin về vấn đề này, mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

Nhượng quyền thương mại

Luật Thương mại 2005 định nghĩa nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện:

  1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
  2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.

 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

Điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại

Mặc dù Việt Nam vẫn luôn không ngừng tạo điều kiện và cơ hội cho các thương nhân thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại, nhưng không phải thương nhân nào có hệ thống hoạt động kinh doanh cũng được phép nhượng quyền.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi đáp ứng đủ các điều kiện: “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”.

Hình thức hợp đồng nhượng quyền thương mại

Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

Theo đó, khi thỏa thuận, chuẩn bị Hợp đồng nhượng quyền, các thương nhân cần đảm bao có tối thiểu 06 nội dung chính khi giao kết hợp đồng, bao gồm:

  1. Nội dung của quyền thương mại;
  2. Quyền và nghĩa vụ của Bên nhượng quyền;
  3. Quyền và nghĩa vụ của Bên nhận quyền;
  4. Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán;
  5. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng;
  6. Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp.

Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn – Sự ràng buộc giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền

Khoản 2 Điều 13 và Điều 16 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định những điều kiện để bên nhượng quyền và bên nhận quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Theo đó, các bên chỉ được phép chấm dứt khi có những lý do chính đáng như:

  • Bên nhận quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong trường hợp Bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 287 của Luật Thương mại.
  • Bên nhượng quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trong các trường hợp:
    • Bên nhận quyền không còn Giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương mà theo quy định của pháp luật Bên nhận quyền phải có để tiến hành công việc kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại.
    • Bên nhận quyền bị giải thể hoặc bị phá sản theo quy định của pháp luật Việt Nam.
    • Bên nhận quyền vi phạm pháp luật nghiêm trọng có khả năng gây thiệt hại lớn cho uy tín của hệ thống nhượng quyền thương mại.
    • Bên nhận quyền không khắc phục những vi phạm không cơ bản trong hợp đồng nhượng quyền thương mại trong một thời gian hợp lý, mặc dù đã nhận được thông báo bằng văn bản yêu cầu khắc phục vi phạm đó từ Bên nhượng quyền.

Bên cạnh đó, thương nhân cần phải lưu ý, ngay cả sau khi hợp đồng đã được kết thúc hoặc chấm dứt, bên nhận quyền vẫn phải giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền.

Quy định về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

Trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền phải tiến hành đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông qua quá trình đăng ký này, cơ quan nhà nước sẽ đánh giá và quyết định xem doanh nghiệp có đủ điều kiện để thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại hay không.

Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại

Để đảm bảo môi trường lành mạnh cho hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển, pháp luật Việt Nam đã thiết lập các quy định rõ ràng về hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực này, áp dụng cho cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Theo đó, các hành vi sau đây sẽ bị xem xét và xử lý theo quy định:

  • Kinh doanh nhượng quyền thương mại khi chưa đáp ứng đủ các điều kiện quy định.
  • Nhượng quyền thương mại đối với các hàng hoá hoặc dịch vụ bị cấm kinh doanh.
  • Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động nhượng quyền thương mại theo quy định của pháp luật.
  • Sử dụng thông tin không trung thực trong bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại.
  • Vi phạm các quy định về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
  • Vi phạm các quy định về thông báo trong quá trình hoạt động nhượng quyền thương mại.
  • Không nộp thuế theo quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Không tuân thủ các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, thanh tra.

Do đó, khi thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại, các thương nhân cần phải trang bị và hiểu rõ các quy định pháp luật đảm bảo giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.

Người viết: Minh Thư

Thẻ:   Doanh nghiệp