Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Những đối tượng không thể thành lập công ty

 

Căn cứ pháp lý

- Luật doanh nghiệp 2020;

- Luật Cán bộ, công chức 2008;

- Luật Phòng, chống tham nhũng 2018;

- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

- Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

2. Những tổ chức/ cá nhân không được phép thành lập công ty/ doanh nghiệp tại Việt Nam

Căn cứ theo nội dung tại Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về những chủ thể bị cấm thực hiện thành lập doanh nghiệp. Cụ thể:

 

- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

- Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

- Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

 

Như vậy, các đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp là cán bộ, viên chức, công chức, sỹ quan, công an nhân dân, cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, người chưa thành niên, người mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, người đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, người đang chịu các trách nhiệm về hình sự.

 

Vì sao các đối tượng sau không được quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam

Cơ quan nhà nước không được thành lập doanh nghiệp

Bản chất của các cơ quan nhà nước là bộ máy mang quyền lực của nhà nước và gần như các hoạt động vận hành đều được lấy từ nguồn kinh phí nhà nước. Vì thế, các cơ quan này không được phép thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích ngăn chặn và đề phòng các tình trạng tham ô về ngân sách, tiền thuế của dân.

Trường hợp phần ngân sách nhà nước cho các đơn vị đó được dùng để thành lập doanh nghiệp với mục đích thu lợi sẽ dẫn đến tình trạng thất thoát ngân sách, khi đó nguồn vốn nhà nước sử dụng sẽ không hiệu quả.

 

Công an không được thành lập doanh nghiệp

Công an, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là những người nắm giữ chức vụ và quyền hạn trong cơ quan nhà nước. Vì thế, pháp luật quy định các đối tượng trên không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng dùng kinh doanh lạm quyền, gây tham nhũng và tư lợi cá nhân.

 

Cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập doanh nghiệp

Cán bộ, công chức, viên chức là những người làm việc trong cơ quan nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý trong một số lĩnh vực nhất định, hiểu và biết về các kế hoạch và định hướng phát triển của một số lĩnh vực. Với vị thế đó, việc ấn định đối tượng này không được thành lập doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lạm quyền, tham nhũng, tham ô để tư lợi cá nhân, xao nhãng trách nhiệm, có thể vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

 

Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay người bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân không được thành lập doanh nghiệp

Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, nếu đối tượng thành lập doanh nghiệp là cá nhân thì cá nhân đó phải có đủ năng lực hành vi dân sự để chịu trách nhiệm về doanh nghiệp của chính mình.

Người chưa chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hay người bị mất năng lực hành vi dân sự không đủ điều kiện về nhận thức, kiến thức kỹ năng để có thể vận hành và quản lý doanh nghiệp.

Nếu đối tượng thành lập doanh nghiệp là tổ chức, thì tổ chức đó bắt buộc phải có tư cách pháp nhân, tức là có tài sản độc lập và khả năng tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó.

Những tổ chức/ cá nhân không được phép góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh

Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 thì các đối tượng dưới đây không được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh:

- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

- Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Tại Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ, công chức không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.

Phạt vi phạm về thành lập doanh nghiệp

Theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP, người không có quyền tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp nhưng vẫn thực hiện có thể bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Góp vốn thành lập doanh nghiệp hoặc đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp tại tổ chức kinh tế khác không đúng hình thức theo quy định của pháp luật;

- Không có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp nhưng vẫn thực hiện.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm về Những đối tượng không thể thành lập công ty theo quy định pháp luật hiện hành, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số: 0911 53 88 35 hoặc qua email: Info@ybsvn.com để được giải đáp chi tiết hơn.

Trân Trọng,

YBS Law Firm

Người viết: Minh Huyền




 

Thẻ:   Doanh nghiệp