Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật - Góc nhìn pháp lý

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, quảng cáo được xác định là công cụ hữu hiệu nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.

Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, quảng cáo được xác định là công cụ hữu hiệu nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Trong đó, việc quảng cáo thông qua các Nghệ sĩ, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng là một trong những hình thức quảng cáo đặc biệt hiệu quả, tuy nhiên hiện nay, nhiều nghệ sĩ lợi dụng lòng tin của người hâm mộ để quảng cáo thiếu trung thực, không rõ ràng về các sản phẩm thực phẩm chức năng, gây bất bình trong xã hội. 

 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Vậy, Nghệ sĩ, họ là ai?

Nghệ sĩ hay những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội là những người hoạt động trong nghệ thuật sáng tạo (âm nhạc, phim ảnh, thời trang...), họ trực tiếp tham gia để biểu diễn hoặc sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, bao gồm: diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ hài... được nhiều người biết đến (trên diện rộng).

Các Nghệ sĩ hay những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội hiện nay được quyền thực hiện các hoạt động để quảng bá hình ảnh hay đại diện thương hiệu cho các nhãn hàng.

Quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng là gì?

Luật An toàn thực phẩm 2010 có định nghĩa về thực phẩm chức năng như sau:

Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học.

 

Để làm rõ hơn, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn thực phẩm đã đưa ra định nghĩa rõ ràng về Thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

 

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau:

 

a) Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;

b) Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa;

c) Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập tại điểm a và điểm b trên đây.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.

 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Vậy, điều kiện để quảng cáo thực phẩm chức năng bao gồm những gì?

Ngoài việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật về quảng cáo, nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng phải đáp ứng những điều kiện cụ thể bao gồm:

  1. Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành và chỉ thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
  2. Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo.
  3. Phải có khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền.
  4. Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo nêu trên.
  5. Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh", nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.
  6. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Dấu hiệu của quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật là hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

 

Tuy nhiên, hiện nay bên cạnh hành vi quảng cáo sai sự thật, nhiều Nghệ sĩ còn có hành vi vi phạm một số hành vi cấm trong quảng cáo:

  1. Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
  2. Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
  3. Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
  4. Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, hiện nay nhiều Nghệ sĩ có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo:

"Điều 10. Các hành vi bị cấm

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về một trong các nội dung sau đây:

a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;

[...]"

 

Khoản 1 Điều 13 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng:

"Điều 13. Trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

1. Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng thông qua bên thứ ba thì bên thứ ba có trách nhiệm:

a) Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;

b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp chứng cứ chứng minh tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;

c) Chịu trách nhiệm liên đới về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ, trừ trường hợp chứng minh đã thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ;

d) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, pháp luật về quảng cáo."

 

Như vậy, hành vi quảng cáo sai sự thật khiến cho người tiêu dùng tiếp nhận thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa là hành vi bị cấm và Nghệ sĩ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.

Chế tài nào dành cho Nghệ sĩ hay những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội khi quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật?

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm trong đó đã đưa ra chế tài trong lĩnh vực quảng cáo như sau:

 

"Điều 52. Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;

b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 và khoản 4 Điều này;

c) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều này."

 

Theo đó, cá nhân Nghệ sĩ có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 VNĐ đến 30.000.000 VNĐ, đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, quy định về hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, sẽ bị phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 05 đến 07 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 22 tháng đến 24 tháng trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm; buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, người vi phạm khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quảng cáo gian dối mà còn vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 VNĐ đến 100.000.000 VNĐ hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Việc quảng cáo sai sự thật trong lĩnh vực thực phẩm chức năng là một vấn đề nghiêm trọng bởi rất nhiều trường hợp do quá tin tưởng vào Nghệ sĩ mà sử dụng sản phẩm do Nghệ sĩ quảng cáo không đúng sự thật dẫn đến hậu quả vô cùng đáng tiếc. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng, uy tín của nghệ sĩ đã tham gia quảng cáo sản phẩm cũng như trật tự xã hội.

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com / hadang@ybsvn.com

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.

Người viết: Hương Giang

 

 

Thẻ:   Quảng cáo