Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Mạng xã hội là gì? Những điều cần lưu ý khi sử dụng Mạng xã hội

Ngày nay cụm từ “Mạng xã hội” đã trở nên vô cùng quen thuộc, nó được mọi người nhắc đến và sử dụng rất phổ biến. Hãy cùng YBS Law Firm tìm hiểu và làm rõ thuật ngữ Mạng xã hội trong bài viết dưới đây.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và trong thời đại chuyển đổi công nghệ số, mạng xã hội đã tác động lớn đến hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động và đời sống của con người. Bên cạnh một số ảnh hưởng tích cực của mạng xã hội có thể kể đến như: lợi ích về kinh tế, lợi ích về xã hội, song song đó cũng đồng thời tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người, hoạt động kinh tế và tình hình an ninh, trật tự xã hội.

Mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến cho phép mọi người tương tác và chia sẻ thông tin với nhau thông qua Internet,…

 

Mạng xã hội là gì? (Hình ảnh từ Internet)

 

Tại khoản 22 Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định rõ về mạng xã hội như sau:

“22. Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.”

Những loại mạng xã hội đang tồn tại?

Mạng xã hội hiện diện dưới nhiều loại, từ các nền tảng trực tuyến như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, Zalo, Viber, Telegram, Pinterest và TikTok, đến các cộng đồng khép kín hơn như LinkedIn dành cho các chuyên gia, WhatsApp dành cho nhắn tin...

Mục tiêu của truyền thông xã hội là gì?

Mọi người sử dụng mạng xã hội để duy trì kết nối với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, chia sẻ/trao đổi thông tin/ý tưởng, cập nhật, thông báo tin tức các sự kiện theo xu hướng mới nhất hoặc đơn giản là tận hưởng niềm vui giải trí mà mạng xã hội đem lại.

Đặc điểm của mạng xã hội

Mạng xã hội hoạt động dựa trên nền tảng mạng Internet bằng cách sử dụng dịch vụ truy nhập Internet và dịch vụ kết nối Internet. Mặc dù tên gọi, tính năng hoạt động, cách sử dụng khác nhau nhưng các mạng xã hội có chung những đặc điểm như sau:

Đặc điểm của mạng xã hội (Hình ảnh từ Internet)

  • Các mạng xã hội đều là ứng dụng phải sử dụng nền tảng Internet trong quá trình kết nối.
  • Những người tham gia vào mạng xã hội sẽ có thể tạo dựng nên tài khoản cá nhân riêng với hồ sơ cá nhân.
  • Tất cả các nội dung được đăng tải trên mạng xã hội đều là tự do nhưng không được gây ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục hoặc pháp luật ở Việt Nam.
  • Mạng xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển của cộng đồng xã hội bằng cách kết nối tài khoản của người dùng với tài khoản của các nhân, tổ chức khác.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng Mạng xã hội

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, theo đó khi sử dụng Mạng xã hội các cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; các tổ chức, cá nhân khác và các nhà cung cấp dịch vụ Mạng xã hội tại Việt Nam cần phải tuân thủ Bộ Quy tắc này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Quy tắc ứng xử chung:

Theo quy định chung, khi sử dụng Mạng xã hội, không phân biệt bất kỳ một nhóm đối tượng riêng biệt nào họ cũng cần phải tuân theo những quy tắc tại Điều 3 của Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021, cụ thể:

Quy tắc ứng xử chung (Hình ảnh từ Internet)

 

“1. Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Quy tắc Lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

3. Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.

4. Quy tắc Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.”

Lưu ý đối với tổ chức, cá nhân:

Tổ chức, cá nhân sử dụng Mạng xã hội trong khuôn khổ pháp luật

Tổ chức, cá nhân nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan; chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ  trái phép… gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Được điều chỉnh và quy định rõ tại Điều 4 của Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021, cụ thể:

“1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.

2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.

3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.

5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.

6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.

8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.”

Những hành vi bị cấm khi sử dụng Mạng xã hội

Mạng xã hội ngày phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, tình hình kinh tế, trật tự anh ninh quốc gia. Bên cạnh những tác động tích cực, Mạng xã hội cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực như: người dùng bị tiết lộ thông tin cá nhân, một số đối tượng lợi dụng Mạng xã hội để thực hiện các hành vi phạm pháp, ... chính vì vậy các cơ quan chức năng đã có những quy định để ngăn chặn các hành vi vi phạm, cụ thể được quy định tại Điều 8 của Luật Anh ninh mạng số 24/2018/QH14, ngày 12 tháng 6 năm 2018 như sau:

 

Luật Anh ninh mạng (Hình ảnh từ Internet)

 

“- Các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng 2018, bao gồm:

+ Đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 16 và khoản 1 Điều 17 Luật An ninh mạng 2018;

+ Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;

+ Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng trái phép các phương tiện thanh toán;

+ Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;

+ Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;

+ Hành vi khác sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

- Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;

- Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác;

- Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng;

- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.”

Lưu ý đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước

Riêng đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước cũng được điều chỉnh bởi Bộ Quy tắc của Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021, cụ thể tại Điều 5 như sau:

“1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước thực hiện nội dung quy định tới Điều 4 của Bộ Quy tắc này.

2. Thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.

3. Thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.”

Lưu ý đối với các cơ quan nhà nước

Nội dung này được quy định chi tiết tại Điều 6 của Bộ Quy tắc của Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 như sau:

“1. Thực hiện nội dung quy định cho cơ quan, tổ chức nêu tại Điều 4 của Bộ Quy tắc này.

2. Có trách nhiệm quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản của cơ quan, tổ chức bị mất quyền kiểm soát hoặc bị giả mạo.

3. Cung cấp thông tin trên mạng xã hội đồng bộ, thống nhất với thông tin đã được cung cấp trên các phương tiện truyền thông chính thống khác.

4. Nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội về vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.”

Lưu ý đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội

Theo quy định tổ chức, doanh nghiệp muốn thiết lập một loại hình Mạng xã hội thì phải xin cấp Giấy phép thiết lập Mạng xã hội và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Nếu tổ chức, doanh nghiệp đưa Mạng xã hội vào vận hành mà chưa xin cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội thì được xem là vi phạm quy định về Giấy phép thiết lập Mạng xã hội và đồng thời sẽ bị phạt vi phạm theo quy định tại Điều 98 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2022/NĐ-CP, cụ thể:

“Trong trường hợp tổ chức/doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000.

Ngoài ra, tổ chức/doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và chịu biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm trên.”

--

Ngoài ra, khi cung cấp dịch vụ Mạng xã hội các nhà cung cấp cần tuân theo các quy tắc ứng xử quy định chi tiết tại Điều 7 của Bộ Quy tắc của Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 như sau:

“1. Công bố rõ ràng các điều khoản sử dụng dịch vụ, bao gồm tất cả các quyền và nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng.

2. Ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật.

3. Khi nhận được thông báo yêu cầu loại bỏ các thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật từ cơ quan chức năng có thẩm quyền, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phối hợp với tổ chức, cá nhân sử dụng mạng xã hội để xử lý theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của "người yếu thế" trong xã hội (người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, trẻ vị thành niên, người khuyết tật…) sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên mạng xã hội; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của chủ thể thông tin.”

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.

 

Người viết: Phương Lan 

Thẻ:   mạng xã hội