Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Livestream - Giới Hạn Tự Do Ngôn Luận

Livestream, mặc dù là một công cụ mạnh mẽ trong việc truyền tải thông điệp và tương tác với người dùng trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng cũng đi kèm với rủi ro khi không nhận thức rõ giới hạn giữa tự do ngôn luận và vi phạm pháp luật ...

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số như livestream đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Livestream không chỉ là công cụ giúp cá nhân và tổ chức truyền tải thông điệp một cách trực tiếp và linh hoạt, mà còn là một phương tiện giao tiếp tiện lợi để kết nối và tương tác với khán giả. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, livestream cũng đã bị lạm dụng như một công cụ để một số cá nhân, tổ chức thể hiện quyền tự do ngôn luận một cách quá đà. Hậu quả của việc này là gây ra những vấn đề tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến môi trường mạng, xã hội và thậm chí là vi phạm pháp luật.

Điều này đã đặt ra vấn đề về việc giới hạn tự do ngôn luận trên livestream theo quy định pháp luật Việt Nam, một vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm và giải quyết. Để biết thêm thông tin về vấn đề này, mời quý bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.

 

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Sức Mạnh và Tính Phổ Biến của Livestream

Livestream, hay phát trực tiếp trên mạng, là một hình thức ghi hình và phát video trực tiếp qua mạng internet và tiếp cận người xem gần như ngay lập tức, thông qua các thiết bị thông minh như điện thoại di động hoặc máy tính, máy tính xách tay,.... Ở Việt Nam hiện nay, livestream được người dùng sử dụng phổ biến nhất qua các nền tảng như Youtube, Facebook. Đến nay, livestream được người dùng sử dụng như một kênh để tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ đối với một các nhân, tổ chức hoặc một vấn đề xã hội.

Giới Hạn Tự Do Ngôn Luận trong Livestream

Lợi dụng tính năng của livestream, trong thời gian qua, không ít trường hợp người thực hiện livestream một cách quá đà, không kiểm soát dẫn đến hệ lụy khó lường, như chia rẽ và tạo nên sự hoang mang trong dư luận, xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật. Điều này là do khi thực hiện những hành vi đó thông qua livestream, người dùng thường không xác định và nhận thức rõ ranh giới giữa tự do ngôn luận và vi phạm pháp luật.

Theo Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định về quyền tự do ngôn luận như sau:

“Điều 25. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

 

Theo đó, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, thái độ của mình với các vấn đề xã hội. Pháp luật Việt Nam cũng không cấm công dân sử dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, hoặc các tính năng phát trực tiếp trên trang mạng xã hội này để bày tỏ quan điểm, thái độ của mình.

Song, chúng ta cần làm rõ rằng, công dân có quyền tự do ngôn luận trên mạng xã hội nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, người sử dụng mạng xã hội cần phải có hiểu biết tối thiểu quy định để không đi quá giới hạn; đồng thời, biết quyền của mình để tự bảo vệ hoặc nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các hành vi sử dụng livestream có thể bị giới hạn nếu vi phạm các quy định về an ninh, trật tự xã hội, và các quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức, như cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, làm nhục người khác. Trong đó:

  1. đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn, hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc…, tổ chức, cá nhân thực hiện có thể bị phạt vi phạm hành chính từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử); hoặc
  2. hành vi livestream trên mạng xã hội để xúc phạm một cá nhân nào khác cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 05 năm, ngoài ra có thể bị cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; hoặc
  3. lợi dụng quyền tự do ngôn luận xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (Điều 331 Bộ luật hình sự 2015)…

Vậy, thực hiện livestream thế nào cho đúng?

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Để thực hiện livestream đúng với quy định pháp luật, người dùng mạng xã hội cần nhận thức rõ và bảo đảm chú ý:

  1. sử dụng ngôn từ một cách văn minh, lịch sự, phù hợp với mục đích livestream và người nghe, tránh trường hợp sử dụng ngôn từ quá khích, xúc phạm danh dự, cá nhân của bất kỳ một cá nhân hoặc tổ chức khác;
  2. đảm bảo nội dung livestream không vi phạm pháp luật hoặc bị cấm hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào;
  3. kiểm soát và xác minh nội dung livestream, tránh chia sẻ hoặc phát sóng nội dung có thể gây phản cảm hoặc vi phạm quy định pháp luật;
  4. tôn trọng quyền riêng tư và danh dự của người khác, hạn chế, không tiết lộ thông tin cá nhân của người khác mà không có sự đồng ý của họ trong quá trình livestream.

Kết Luận

Livestream, mặc dù là một công cụ mạnh mẽ trong việc truyền tải thông điệp và tương tác với người dùng trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng cũng đi kèm với rủi ro khi không nhận thức rõ giới hạn giữa tự do ngôn luận và vi phạm pháp luật. Việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và cân nhắc đến quyền lợi của các bên liên quan là rất cần thiết để đảm bảo một môi trường truyền thông số lành mạnh và an toàn. Do đó, khi thực hiện livestream, người dùng cần hiểu rõ hiểu rõ các quy định pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.

 

Người viết: Minh Thư