Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Giấy phép mạng xã hội là gì? Thủ tục để được cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội?

Theo quy định của pháp luật thì một tổ chức, doanh nghiệp muốn thiết lập mạng xã hội cần được cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội. Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ quy trình thủ tục cấp Giấy phép mạng xã hội.

 

Giấy phép mạng xã hội được quy định như thế nào?

Ngày nay cụm từ “mạng xã hội” đã trở nên vô cùng quen thuộc với chúng ta, nó được mọi người nhắc đến và sử dụng rất phổ biến.

Theo quy định của pháp luật, cụ thể tại Khoản 22, Điều 3 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP thì mạng xã hội được hiểu như sau: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.”

Mạng xã hội là một nền tảng trực tuyến cho phép người dùng tương tác và chia sẻ thông tin với nhau thông qua dịch vụ kết nối Internet, …

Mạng xã hội hiện diện dưới nhiều loại ứng dụng, từ các nền tảng trực tuyến như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, Zalo, Viber, Telegram, Pinterest và TikTok…, đến các cộng đồng khép kín hơn như LinkedIn dành cho các chuyên gia, WhatsApp dành cho nhắn tin...

 

5cc59d31c6de487b538c46312b18b9ef

Ứng dụng mạng xã hội (Hình ảnh từ Internet)

 

Đầu tiên, cần làm rõ Giấy phép mạng xã hội là gì? Và được hiểu như thế nào?

 

Giấy phép mạng xã hội (Hình ảnh từ Internet)

 

Giấy phép mạng xã hội là một loại văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho tổ chức kinh doanh đủ điều kiện, thiết lập Website có tính năng cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng để thực hiện việc tìm kiếm, giải trí, trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, chia sẻ âm thanh, video, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác.

Như vậy có thể hiểu, để thiết lập một loại hình mạng xã hội thì tổ chức, doanh nghiệp phải xin cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội và phải đáp ứng các điều kiện quy định.

Phạt vi phạm quy định về Giấy phép thiết lập mạng xã hội:

Theo quy định tại Điều 98 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2022/NĐ-CP thì trong trường hợp tổ chức/doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000.

Ngoài ra, tổ chức/doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và chịu biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm trên.

Sự cần thiết của việc xin Giấy phép thiết lập mạng xã hội?

  • Mạng xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, tình hình kinh tế, trật tự anh ninh quốc gia. Bên cạnh những trang mạng xã hội tạo lập ra để chia sẻ, truyền thông những thông tin, sự kiện hữu ích, hình ảnh đẹp, mang lại giá trị cho cộng đồng, nâng cao kỹ năng sống, cải thiện chất lượng sống cho con người thì còn tồn tại những trang mạng chia sẻ thông tin tiêu cực mang tính sai lệch, không đúng sự thật, kích động, chống phá chính quyền, gây rối an ninh, trật tự. Thậm chí nhiều người có nguy cơ trầm cảm hay còn có trường hợp nghiện mạng xã hội. Đặc biệt nghiêm trọng hơn là một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội đưa ra thông tin nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ...
  • Chính vì những điều trên mà các cơ quan chức năng đã phải ra những phương án ngăn chặn trong đó nếu thiết lập các trang mạng xã hội thì bắt buộc phải xin cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội. Theo đó, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản có liên quan như: Nghị định 72/2013/NĐ-CP Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin mạng hay Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Những văn bản này ra đời để điều chỉnh, quy định về thiết lập mạng xã hội trực tuyến và đặt ra các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm hoạt động trên mạng xã hội như việc không xin Giấy phép mạng xã hội ...
  • Việc xin Giấy phép thiết lập mạng xã hội là điều bắt buộc và vô cùng quan trọng, không chỉ giúp cơ quan nhà nước kiểm tra, giám sát để đưa ra hướng giải quyết kịp thời khi gặp phải những tình huống, trường hợp tiêu cực ngoài ý muốn, mà còn giúp chúng ta có một môi trường mạng xã hội lành mạnh, đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho quốc gia.

Điều kiện xin được Giấy phép mạng xã hội

Điều kiện để một tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy phép mạng xã hội đã được pháp luật quy định chi tiết tại khoản 5, Điều 23 của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a), khoản 7, Điều 1 Nghị định 27/2018/NĐ-CP cụ thể:

Thứ nhất: Tổ chức, doanh nghiệp phải được thành lập theo pháp luật Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ hoặc ngành nghề đăng ký kinh doanh phù hợp với dịch vụ và nội dung thông tin cung cấp đã được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Nghĩa là doanh nghiệp phải có tư cách pháp nhân thành lập theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện đúng với ngành nghề đã đăng ký kinh doanh cũng như đã công bố trên Cổng thông tin quốc gia.

Thứ hai: Có tổ chức, nhân sự đáp ứng theo quy định tại Điều 23a của Nghị định 27/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1, Điều 2 của Nghị định 150/2018/NĐ-CP cụ thể:

Điều kiện về tổ chức, nhân sự đối với trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội

  • Điều kiện về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin:
  • Có ít nhất 01 nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin là người có quốc tịch Việt Nam hoặc đối với người nước ngoài có thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp còn thời hạn ít nhất 06 tháng tại Việt Nam kể từ thời điểm nộp hồ sơ;
  • Có bộ phận quản lý nội dung thông tin.
  • Điều kiện về nhân sự bộ phận kỹ thuật:

Có ít nhất 01 nhân sự quản lý nội dung thông tin và 01 nhân sự quản lý kỹ thuật.

Thứ ba: Đã đăng ký tên miền sử dụng để thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và đáp ứng quy định tại Điều 23b của Nghị định 27/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm a, điểm b Khoản 2, Điều 2 của Nghị định 150/2018/NĐ-CP cụ thể:

  • Đối với tổ chức, doanh nghiệp không phải là cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí.
  • Trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
  • Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng tên miền có dãy ký tự giống nhau (bao gồm cả tên miền thứ cấp, ví dụ: forum.vnn.vn, news.vnn.vn là tên miền có dãy ký tự khác nhau).
  • Tên miền phải tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Đối với tên miền quốc tế phải có xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp.

Thứ tư: Đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật theo quy định tại Điều 23c của Nghị định 27/2018/NĐ-CP:

  • Điều kiện về kỹ thuật:

Thiết lập hệ thống thiết bị kỹ thuật có khả năng đáp ứng các yêu cầu sau:

    • Đối với trang thông tin điện tử tổng hợp: Lưu trữ tối thiểu 90 (chín mươi) ngày đối với nội dung thông tin tổng hợp kể từ thời điểm đăng tải; lưu trữ tối thiểu 02 (hai) năm đối với nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;
    • Đối với mạng xã hội: Lưu trữ tối thiểu 02 (hai) năm đối với các thông tin về tài Khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải;
    • Tiếp nhận và xử lý cảnh báo thông tin vi phạm từ người sử dụng;
    • Phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn truy nhập bất hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng và tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thông tin;
    • Có phương án dự phòng bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục và khắc phục khi có sự cố xảy ra, trừ những trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật;
    • Đảm bảo phải có ít nhất 01 (một) hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin trên toàn bộ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp sở hữu theo quy định tại các điểm a, b, c, d và đ Khoản 1, Điều 23c của Nghị định 27/2018/NĐ-CP.
  • Ngoài việc bảo đảm các Điều kiện kỹ thuật quy định tại Khoản 1, Điều 23c của Nghị định 27/2018/NĐ-CP, hệ thống kỹ thuật thiết lập mạng xã hội phải có khả năng đáp ứng các yêu cầu sau:
    • Thực hiện đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của thành viên, bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; số điện thoại và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp người sử dụng Internet dưới 14 tuổi và chưa có chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu, người giám hộ hợp pháp quyết định việc đăng ký thông tin cá nhân của người giám hộ theo quy định tại điểm này để thể hiện sự cho phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký đó;
    • Thực hiện việc xác thực người sử dụng dịch vụ thông qua tin nhắn gửi đến số điện thoại hoặc đến hộp thư điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ hoặc thay đổi thông tin cá nhân;
    • Ngăn chặn hoặc loại bỏ thông tin vi phạm các quy định tại Khoản 1, Điều 5 của Nghị định 27/2018/NĐ-CP khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
    • Thiết lập cơ chế cảnh báo thành viên khi đăng thông tin có nội dung vi phạm (bộ lọc).

Thứ năm, có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và quản lý thông tin theo quy định tại Điều 23d của Nghị định 27/2018/NĐ-CP:

  • Điều kiện về quản lý thông tin đối với trang thông tin điện tử tổng hợp:
    • Có quy trình quản lý thông tin công cộng: Xác định phạm vi nguồn thông tin khai thác, cơ chế quản lý, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải;
    • Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn;
    • Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm Khoản 1, Điều 5 Nghị định 27/2018/NĐ-CP chậm nhất sau 03 (ba) giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email).
  • Điều kiện về quản lý thông tin đối với mạng xã hội:
    • Có thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phù hợp theo các quy định tại điểm đ Khoản 2, Điều 23đ Nghị định 27/2018/NĐ-CP và được đăng tải trên trang chủ của mạng xã hội;
    • Bảo đảm người sử dụng phải đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội;
    • Có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm Khoản 1, Điều 5 Nghị định 27/2018/NĐ-CP chậm nhất sau 03 giờ kể từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan cấp phép (bằng văn bản, điện thoại, email);
    • Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng;
    • Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng trong việc cho phép thu thập thông tin cá nhân của mình hoặc cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác.

Quy trình, thủ tục cấp Giấy phép mạng xã hội

Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy phép mạng xã hội

Khách hàng cần chuẩn bị các loại văn bản được quy định tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 27/2018/NĐ-CP như sau:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội theo mẫu quy định;
  • Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép được lập thành 01 (một) bộ, gồm có:
    • Đơn đề nghị cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội theo Mẫu số 25 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 27/2018/NĐ-CP;
    • Bản sao hợp lệ bao gồm bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao đối chiếu với bản gốc một trong các loại giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập (hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận, giấy phép tương đương hợp lệ khác được cấp trước ngày có hiệu lực của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13); Điều lệ hoạt động (đối với các tổ chức hội, đoàn thể);

Quyết định thành lập hoặc Điều lệ hoạt động phải có chức năng nhiệm vụ phù hợp với lĩnh vực thông tin trao đổi trên trang mạng xã hội.

    • Đề án hoạt động có chữ ký, dấu của người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép, bao gồm các nội dung chính: Các loại hình dịch vụ; phạm vi; lĩnh vực thông tin trao đổi; phương án tổ chức nhân sự, kỹ thuật, quản lý thông tin, tài chính nhằm bảo đảm hoạt động của mạng xã hội phù hợp với các quy định tại điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ Khoản 5, Điều 23 của Nghị định 27/2018/NĐ-CP; thông tin địa điểm đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam;
    • Thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải có tối thiểu các nội dung sau: Các nội dung cấm trao đổi, chia sẻ trên mạng xã hội; quyền, trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội; quyền, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội; cơ chế xử lý đối với thành viên vi phạm thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội; cảnh báo cho người sử dụng các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng; cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp giữa các thành viên mạng xã hội với tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội hoặc với tổ chức, cá nhân khác; công khai việc có hay không thu thập, xử lý các dữ liệu cá nhân của người sử dụng dịch vụ trong thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội; chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Sau khi chuẩn bị các giấy tờ nếu trên, tổ chức, doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp hồ sơ cụ thể tại mục 4.2 dưới đây:

Thủ tục cấp Giấy phép mạng xã hội

Căn cứ tại Nghị định 72/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 27/2018/NĐ-CP thì thủ tục thực hiện như sau:

- Tổ chức/doanh nghiệp có nhu cầu cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội gửi hồ sơ đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

  •  Cách thức thực hiện:
    • Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan hành chính;
    • Qua hệ thống bưu chính;
    • Qua Internet.

v Lưu ý:

- Ngoài một bộ hồ sơ cần nộp tại Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) thì quý khách hàng có thể chuẩn bị thêm một bộ để lưu trữ nội bộ tại tổ chức/doanh nghiệp.

- Trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp giấy phép nếu hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp ngược lại, nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ từ chối, đồng thời có văn bản trả lời và nêu rõ lý do để tổ chức/doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung.

Lệ phí xin cấp Giấy phép mạng xã hội

Thủ tục xin cấp Giấy phép thiết lập mạng xã hội là trường hợp không phải mất chi phí khi thực hiện thủ tục xin Giấy phép mạng xã hội.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.