102 A-B-C Cong Quynh Street , Pham Ngu Lao Ward, District 1, Ho Chi Minh City

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

THỦ TỤC KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ THEO DI CHÚC NĂM 2024

Khai nhận di sản thừa kế theo di chúc là thủ tục quan trọng và cần thiết mà người thừa kế cần phải thực hiện để xác lập quyền sở hữu đối với di sản được thừa kế, nhằm bảo vệ quyền lợi và tránh xảy ra tranh chấp cho người thừa kế theo di chúc. 

 

Khai nhận di sản thừa kế theo di chúc là thủ tục quan trọng và cần thiết mà người thừa kế cần phải thực hiện để xác lập quyền sở hữu đối với di sản được thừa kế. Thủ tục này nhằm bảo vệ quyền lợi và tránh xảy ra tranh chấp cho người thừa kế theo di chúc. Vậy thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây của YBS Law Firm sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc và hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Khai nhận di sản (Nguồn Internet)

 

Khai nhận di sản thừa kế theo di chúc là gì?

Khai nhận di sản thừa kế theo di chúc là thủ tục pháp lý được thực hiện sau khi di chúc có hiệu lực để chuyển giao quyền sở hữu di sản từ người để lại di sản sang người thừa kế theo di chúc.

 

Ai là người tiến hành khai nhận di sản thừa kế theo di chúc?

Người tiến hành khai nhận di sản thừa kế theo di chúc (Nguồn Internet)

 

Khi di chúc có hiệu lực, những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc có thể tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên nếu người để lại di chúc có người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc gồm: “Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; Con đã thành niên mà không có khả năng lao động” thì chủ thể tiến hành khai nhận di sản thừa kế ngoài những người được chỉ định trong di chúc còn có những người này, hoặc người đại diện theo pháp luật của họ đối với người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự.

Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc (Nguồn Internet)

 

Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo di chúc

Hồ sơ

Căn cứ theo Điều 40, Khoản 2 và 3 Điều 57, Điều 58 Luật Công chứng 2014 thì để khai nhận di sản thừa kế theo di chúc cần chuẩn bị các hồ sơ sau:

  • Phiếu yêu cầu công chứng - chứng thực;
  • Bản sao di chúc;
  • Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của người khai nhận di sản thừa kế;
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản;
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp liên quan đến việc khai nhận.
  • Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến việc khai nhận thừa kế.

Thủ tục thực hiện

Căn cứ theo Điều 40, 53, 57, 58 Luật Công chứng 2014; Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng thì việc khai nhận di sản thừa kế theo di chúc được thực hiện như sau:

Bước 1: Người “yêu cầu khai nhận di sản thừa kế theo di chúc” chuẩn bị hồ sơ đã nêu trên và nộp hồ sơ đến tổ chức hành nghề công chứng.

Bước 2: Công chứng viên kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Bước 3: Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ:

  • Về thủ tục công chứng
  • Các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện khai nhận di sản thừa kế theo di chúc;
  • Giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc khai nhận di sản thừa kế.

Bước 4: Công chứng viên sau khi kiểm tra hồ sơ. Nếu đầy đủ và phù hợp với quy định pháp luật thì tiến hành thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

Bước 5: Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

  • Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản.
  • Trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
  • Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản trong thời hạn 15 ngày.
  • Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết.

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.

Tags:   khai nhận di sản thừa kế theo di chúc

MAYBE YOU ARE INTERESTED