102 A-B-C Cong Quynh Street , Pham Ngu Lao Ward, District 1, Ho Chi Minh City

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP HIỆN NAY VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN

Thuế giá trị gia tăng, hay còn gọi là thuế VAT là loại thuế phổ biến đối với mọi doanh nghiệp và hộ cá nhân kinh doanh, đây cũng là loại thuế đóng vai trò quan trọng với ngân sách nhà nước, khuyến khích xuất khẩu hàng hóa dịch vụ. Các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ quy định pháp luật hiện hành về thuế giá trị gia tăng để khai báo và nộp thuế đúng, đủ, chính xác.
Tuy nhiên, việc áp dụng thuế giá trị gia tăng trong nước hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong bài viết này, YBS Law Firm sẽ cung cấp các quy định về thuế giá trị gia tăng và kiến nghị những bất cập, đưa ra phương hướng hoàn thiện thuế giá trị gia tăng.

Thuế giá trị gia tăng 

1.1. Khái niệm thuế giá trị gia tăng
Theo Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 quy định khái niệm thuế giá trị gia tăng như sau: "Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng."
Giá trị gia tăng có thể là tiền công, tiền vận chuyển, tiền đóng gói, lợi nhuận hay các khoản chi phí phát sinh,…. Đây là loại thuế được tính cộng vào giá bán của các loại hàng hóa, dịch vụ trong đơn hàng và do người tiêu dùng thanh toán, chi trả khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó.

1.2. Đặc điểm của thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng có 4 đặc điểm như sau:

  • Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu

Thuế giá trị gia tăng do người tiêu dùng cuối chịu. Cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thay cho người tiêu dùng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ. Vì vậy, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu.

  • Thuế giá trị gia tăng là thuế tiêu dùng nhiều giai đoạn không trùng lặp
  • Thuế giá trị gia tăng được áp dụng tại tất cả giai đoạn của khâu sản xuất và luân phiên không trùng lặp. Có nghĩa là tại mỗi giai đoạn, thuế giá trị gia tăng chỉ tính trên phần giá trị gia tăng của giai đoạn đó.
  • Thuế giá trị gia tăng được đánh thuế theo nguyên tắc điểm đến

Thuế giá trị gia tăng được áp dụng theo nguyên tắc điểm đến. Thuế giá trị gia tăng đánh vào hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa, bất kể hàng hóa, dịch vụ đó được tạo ra ở trong nước hay nước ngoài. Nguyên tắc này đảm bảo rằng thuế giá trị gia tăng được đánh thuế tại địa điểm sử dụng và không phụ thuộc vào hàng hóa sử dụng.

  • Thuế giá trị gia tăng có phạm vi điều tiết rộng
    Thuế giá trị gia tăng có phạm vi điều tiết rộng, bao gồm nhiều ngành công nghiệp và lĩnh vực khác nhau. Đây là loại thuế tiêu dùng thông thường và áp dụng cho hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ.

Phương pháp tính thuế giá trị gia tăng

Căn cứ theo Văn bản hợp nhất Luật thuế giá trị gia tăng số: 01/VBHN-VPQH quy định về phương pháp tính thuế giá trị gia tăng như sau:

2.1. Cách tính thuế giá trị gia tăng

  • Công thức tính thuế giá trị gia tăng (VAT):
    Giá tính thuế VAT x Thuế suất thuế VAT
    Trong đó:
    - Giá tính thuế VAT: giá bán không bao gồm thuế VAT cộng với các khoản thuế khác, ví dụ: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,…
    - Thuế suất thuế VAT là 10% (chiếm phần lớn các loại hàng hóa); 8% (đối với một số loại hàng hóa thuộc nhóm chịu thuế suất 10% nhưng được giảm 2% thuế); 5% (chiếm số ít hàng hóa).
  • Đối với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài thuế VAT được tính bằng:
    (Giá FOB/CIF + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt) x thuế suất thuế VAT
    Trong đó:
    - Giá FOB: Giá tại cửa khẩu bên nước của người bán
    - Giá CIF: là mức giá được tính tại cảng của nước nhập khẩu.
    - Thuế suất thuế VAT là 10% (chiếm phần lớn các loại hàng hóa); 8% (đối với một số loại hàng hóa thuộc nhóm chịu thuế suất 10% nhưng được giảm 2% thuế); 5% (chiếm số ít hàng hóa).

2.2. Thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp
Hiện nay có 2 phương pháp tính thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp như sau:
a. Phương pháp khấu trừ:
Cách tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ áp dụng cho các đơn vị kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật gồm:

  • Đơn vị kinh doanh có doanh thu hàng năm từ một tỷ đồng trở lên từ bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.
  • Đơn vị kinh doanh đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, trừ hộ, cá nhân kinh doanh.
    Khi xác định số thuế VAT phải nộp, trước hết cần xác định số thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Số thuế được khấu trừ được xác định bằng giá trị thuế VAT được ghi trên hóa đơn hàng hóa và dịch vụ mua vào.

b. Phương pháp trực tiếp
Áp dụng cho các cơ sở kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ; hoạt động mua bán vàng, bạc, đá quý.

  • Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
    - Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.
    Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.
    Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.
    Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.
    Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương (+) hoặc giá trị gia tăng dương (+) không đủ bù trừ giá trị gia tăng âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, giá trị gia tăng âm (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau
    - Số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu áp dụng như sau:
  • Đối tượng áp dụng:
    - Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế theo quy định;
    - Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế theo quy định;
    - Hộ, cá nhân kinh doanh;
    - Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư và các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí.
    - Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.
  • Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
    Trường hợp cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.

Thực trạng thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp hiện nay

Thực trạng thuế giá trị gia tăng tại các doanh nghiệp hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức và vấn đề phức tạp. Trong đó, vấn đề lớn nhất là việc gian lận thuế. Các doanh nghiệp vẫn chưa chấp hành đúng quy định pháp luật về thuế giá trị gia tăng, từ việc quản lý, kê khai đến nộp thuế. 

Giải pháp nhằm chống thất thu thuế giá trị gia tăng

Nếu để các hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng tồn tại lâu sẽ gây ra tổn thất nặng nề đối với ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Để có thể ngăn chặn các hành vi này, các cơ quan thuế cần phải thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra thuế. Các cơ quan thuế cần tiến hành kiểm tra và thanh tra định kỳ tại các doanh nghiệp để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thuế. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm tra, thanh tra cũng giúp nâng cao hiệu quả và độ chính xác. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ nghiệp vụ cao và có đạo đức. Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan cảnh sát điều tra, công an, an ninh điều tra và các cấp ủy chính quyền tại địa phương để có thể thực hiện điều ra và chính thức khởi tố khi phát hiện hành vi gian lận trong hoàn thuế.
Thứ hai, cần sửa đổi luật, tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm gian lận tiền hoàn thuế. Mức phạt hiện nay vẫn còn nhẹ nhàng so với số tiền thuế đã chiếm đoạt nên cần phải tăng mạnh về mức phạt tiền và mức phạt tù, có chế tài xử lý nghiêm ngặt nhằm răn đe những doanh nghiệp có hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng.
Thứ ba, thúc đẩy và tăng cường lực lượng hải quan thuế nội địa giám sát, làm thủ tục giám sát và thanh toán tiền hàng xuất khẩu. Để đạt hiệu quả cao hơn trong công tác quản lý thủ tục xuất khẩu, cần kết nối với các chi cục thuế.
Thứ ba, nâng cao nhận thức và đào tạo cho doanh nghiệp. Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về pháp luật thuế cho các doanh nghiệp, giúp họ hiểu rõ và tuân thủ đúng các quy định về thuế giá trị gia tăng. Cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình kê khai và nộp thuế.
Tóm lại, để phát triển hệ thống thuế và chống thất thu thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, cần phải nghiêm chỉnh thực hiện các giải pháp trên một cách đồng bộ và hiệu quả. Từ đó sẽ giúp tăng cường công tác quản lý thuế, giảm thiểu thất thu thuế giá trị gia tăng và nâng cao sự minh bạch, công bằng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

Trân trọng,
YBS Law Firm.

 

MAYBE YOU ARE INTERESTED