102 A-B-C Cong Quynh Street , Pham Ngu Lao Ward, District 1, Ho Chi Minh City

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

PHÂN BIỆT KHÁNG CÁO VÀ KHÁNG NGHỊ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Kháng cáo, kháng nghị là gì?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể khái niệm của việc kháng cáo, kháng nghị trong tố tụng dân sự là gì. Tuy nhiên, dựa vào các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS 2015”) và các văn bản pháp luật liên quan, có thể hiểu:

  • Kháng cáo là một trong những quyền cơ bản của những người tham gia tố tụng đề nghị Toà án cấp trên trực tiếp xem xét lại một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi cho rằng bản án, quyết định đó không đúng quy định pháp luật;
  • Kháng nghị là hành vi tố tụng của người có thẩm quyền, thể hiện việc phản đối một phần hoặc toàn bộ nội dung bản án, quyết định của Tòa án với mục đích bảo đảm cho việc xét xử được chính xác, công bằng, đồng thời sửa chữa những sai lầm trong bản án, quyết định của Tòa án.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Phân biệt kháng cáo và kháng nghị trong tố tụng dân sự

 

 

Tiêu chí Kháng cáo Kháng nghị
Hình thức Kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Có ba hình thức kháng nghị: Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.
Chủ thể thực hiện Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện (Điều 271 BLTTDS 2015). - Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm: Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (Điều 278 BLTTDS 2015).- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao (Điều 331 BLTTDS  2015).- Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp cao (Điều 354 BLTTDS 2015).
Phạm vi Bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm (Điều 271 BLTTDS 2015).

- Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm: Bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm (Điều 278 BLTTDS 2015).

- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm: Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 331 BLTTDS  2015).

- Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân các cấp, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 354 BLTTDS 2015).

Thời hạn

Theo quy định tại Điều 273 BLTTDS 2015 thì:

- Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm:

+ 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

+ Trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

- Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm: 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định.

- Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (Điều 280 BLTTDS 2015):

+ Đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm:

  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.
  • Thời hạn kháng nghị của của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng kể từ ngày tuyên án.
+ Đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm:
  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.
  • Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định.

- Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Điều 334 BLTTDS 2015):

+ 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

+ Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm 02 năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:

  • Đương sự đã có đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định và sau khi hết thời hạn kháng nghị đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị.
  • Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của cộng đồng, lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
- Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm (Điều 355 BLTTDS 2015): Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.

 

Tags:   Kháng cáo, kháng nghị

MAYBE YOU ARE INTERESTED