Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Cover tác phẩm âm nhạc - Góc nhìn pháp lý

Việc cover, biểu diễn lại các tác phẩm âm nhạc dường như đã trở nên phổ biến đối với ngành công nghiệp giải trí hiện đại, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube Facebook, TikTok.

HÌNH

Việc cover, biểu diễn lại các tác phẩm âm nhạc dường như đã trở nên phổ biến đối với ngành công nghiệp giải trí hiện đại, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube,  Facebook, TikTok. Đối tượng cover rất đa dạng: từ người bình thường, KOL, thậm chí ngay cả những ca sĩ cũng hưởng ứng trào lưu chưa bao giờ hết “hot” này.

Vậy vấn đề đặt ra là: cover lại bài hát có vi phạm bản quyền tác giả hay không? Pháp luật có quy định như thế nào về vấn đề này?  Cùng YBS Law Firm tìm hiểu về vấn đề này nhé.

Cover tác âm nhạc là gì?

“Tác phẩm âm nhạc” được hiểu là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Tác phẩm âm nhạc là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022. 

HÌNH

(Nguồn Internet)

Cover tác phẩm âm nhạc hay cụ thể hơn là cover lại các bài hát thường được hiểu theo là việc một cá nhân hoặc nhóm người trình bày lại tác phẩm đó theo phong cách mới, lời mới hoặc giai điệu mới. Hiện nay trên thị trường chủ yếu có 02 hình thức cover chủ yếu như sau:

  • Thứ nhất: Cover bài hát nhưng vẫn giữ nguyên nội dung hoặc giai điệu của bài hát gốc.
  • Thứ hai: Cover bài hát nhưng biến tấu nội dung, giai điệu so với bản gốc.

 

Bài hát cover có được xem là tác phẩm

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022: “Tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.

 

(Nguồn: Internet)

Các loại hình tác phẩm phái sinh bao gồm:

  • Tác phẩm dịch: là tác phẩm được dịch sang ngôn ngữ khác một cách sát nghĩa, không diễn đạt sai nội dung dựa trên nội dung của tác phẩm gốc;
  • Tác phẩm phóng tác: là tác phẩm phỏng theo tác phẩm gốc, nhưng có sự sáng tạo về nội dung, tư tưởng…;
  • Tác phẩm biên soạn: là việc tổng hợp thông tin, thu thập và chọn lọc các tài liệu tham khảo để viết lại thành một tác phẩm mới có sự trích dẫn những nguồn thông tin đã tham khảo; 
  • Bản chú giải: là tác phẩm thể hiện quan điểm, lời bình của người soạn bản chú giải đó, giải thích ý nghĩa để làm rõ hơn nội dung trong tác phẩm gốc;
  • Tác phẩm tuyển chọn: được hiểu là một tập hợp các tác phẩm được lựa chọn bởi người biên soạn;
  • Tác phẩm cải biên: là tác phẩm được sáng tạo ra trên cơ sở tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt;
  • Tác phẩm chuyển thể: có thể hiểu là tác phẩm dựa trên tác phẩm gốc nhưng không làm thay đổi nội dung của tác phẩm gốc.

Như vậy, việc sáng tạo ra sản phẩm âm nhạc cover dựa trên bài hát gốc của tác giả cũng có thể coi là hình thức làm tác phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ.

Cover bài hát có cần xin phép chủ sở hữu tác phẩm?

Theo quy định pháp luật Sở hữu trí tuệ, việc biểu diễn bài hát, bao gồm biểu diễn trực tiếp, biểu diễn livestream trên mạng xã hội và/hoặc đăng tải (phát hành) sản phẩm trên các nền tảng cho phép công chúng tiếp cận cần sự cho phép của tác giả, cụ thể như sau:

  • Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng: được hiểu là quyền do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện, hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
  • Quyền tạo tác phẩm phái sinh: được hiểu là quyền do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện, hoặc cho phép người khác thực hiện tạo ra các tác phẩm phái sinh theo quy định của pháp luật;
  • Quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng: được hiểu là quyền do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác đăng tải/phát hành tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác...

HÌNH

(Nguồn: Internet)

Ngoài ra, việc thay đổi giai điệu, ca từ của tác phẩm gốc trong bản cover mà không được sự đồng ý của tác giả thì sẽ có khả năng vi phạm quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm” (quyền không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả) theo Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022. 

Ví dụ: Ca khúc “Nụ cười xuân” của ca sĩ Hương Ly được viết lại lời Việt dựa trên nền nhạc của tác phẩm gốc “Tiếu nạp” (Dịch nghĩa: Nụ cười) tác giả Cổ Nguyệt (Trung Quốc). Phân tích dưới góc độ pháp lý thì: Đầu tiên, tác phẩm này được sáng tác và công bố tại Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc và Việt Nam đều là quốc gia thành viên của Công ước Berne. Vì vậy theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022 thì tác phẩm “Tiếu nạp” cũng được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam. Việc viết lại phần lời bài hát trên nền nhạc và nội dung của tác phẩm này cần được sự chấp thuận của chủ sở hữu tác phẩm gốc, nếu không sẽ được xem là hành vi vi phạm bản quyền.

Vậy, khi muốn cover lại bài hát thì người biểu diễn cần có nghĩa vụ cần phải xin phép và trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc đó theo Khoản 2 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2022.

Hình thức xử phạt vi phạm khi cover nhạc mà chưa có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả?

Hành vi Cover không xin phép tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, nếu không thuộc trường hợp không phải xin phép và không phải trả tiền bản quyền thì đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 10,  Điều 12 và Điều 13 của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP như sau:

HÌNH

(Nguồn: Internet)

  • Căn cứ Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả bị xử phạt và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Mức phạt:

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;
  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật
  • Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
  • Căn cứ Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi phát hành bản cover bài hát mà chưa có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị xử phạt và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Mức phạt: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi nêu trên.

  • Căn cứ Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, hành vi tự ý biểu diễn bản cover bài hát trước công chúng mà chưa có sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả  bị xử phạt và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Mức phạt:

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định;
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình vi phạm đối với hành vi nêu trên.

  • Mức phạt tiền được nêu trên là mức áp dụng với đối tượng là cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 (hai) lần mức phạt với cá nhân khi xét trên cùng hành vi vi phạm.

Trước khi thực hiện việc sáng tạo, sản xuất các sản phẩm cover âm nhạc, các cá nhân, tổ chức cần xin phép tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc để tránh các rủi ro pháp lý không đáng có. Mặt khác, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cũng cần trang bị cho bản thân các kiến thức pháp luật liên quan đến vấn đề bản quyền để chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.

 

Chuyên viên pháp lý - Hồ Thị Việt Hằng