Số 10, Đường 7 Khu phố 3A, Phường Bình Thuận, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Mon - Fri: 09:00 -18:00

0911 53 88 35

Tư vấn

Cần làm gì khi bị lừa đảo trên không gian mạng?

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, một số đối tượng xấu đã lợi dụng không gian mạng để lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn ngày càng đa dạng và tinh vi. Vậy cách nhận diện và phòng tránh ra sao? Nếu bị lừa đảo qua không gian mạng thì cần làm gì?

Ngày nay, chúng ta ít nhất một lần đã đọc hoặc nghe qua cụm từ “Lừa đảo qua mạng”, nhưng “Lừa đảo qua mạng” là gì? Cách nhận diện và phòng tránh ra sao? Nếu bị lừa đảo qua không gian mạng thì cần làm gì? YBS Law Firm sẽ phân tích trong bài viết hôm nay.



Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

Nhận diện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, một số đối tượng xấu đã lợi dụng không gian mạng để lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản với các thủ đoạn ngày càng đa dạng và tinh vi. Các thủ đoạn điển hình và phổ biến có thể kể đến như:

 

Giả danh cán bộ của cơ quan chức năng:

  • Đầu tiên, các đối tượng tự xưng là cán bộ của cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,… và gọi điện, liên hệ với nạn nhân thông báo họ đang bị khởi kiện, tố cáo, triệu tập, hoặc liên quan đến vụ án mà cơ quan chức năng đang điều tra, xác minh. Tinh vi hơn, các đối tượng còn làm giả quyết định khởi tố vụ án, lệnh bắt, lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để gửi cho các nạn nhân nhằm đe dọa, làm nạn nhân lo sợ, hoảng loạn tinh thần để các đối tượng dễ dàng thao túng tâm lý.
  • Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân phối hợp điều tra, chứng minh bản thân vô tội bằng cách khai báo tài sản, tài khoản, số dư tại ngân hàng,… và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền hoặc đọc mã OTP các đối tượng chuyển tiền vào tài khoản do họ chỉ định với lý do giả tạo là: “cơ quan chức năng tạm giữ để xác minh, khi nào xác minh xong thì sẽ chuyển trả lại tiền”.
  • Cuối cùng, các đối tượng lý lấy do bảo mật, yêu cầu các nạn nhân không được tiết lộ nội dung sự việc cho bất kỳ người nào khác để các đối tượng có đủ thời gian để tẩu tán tài sản chiếm đoạt và chứng cứ phạm tội.

 

Chiếm đoạt quyền sở hữu và truy cập tài khoản mạng xã hội (hack tài khoản)

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

  • Đầu tiên, các đối tượng chiếm đoạt quyền sở hữu và truy cập tài khoản mạng xã hội như Facebook, Messenger, Zalo,… của các nạn nhân bằng các thủ đoạn như:
    • Cài cắm mã độc thông qua phần mềm độc hại (tiện ích mở rộng cho trình duyệt máy tính, phần mềm bẻ khóa), khi người dùng tải các phần mềm về điện thoại, máy tính thì các mã độc chạy ngầm sẽ thu thập và gửi các thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội gửi về cho các đối tượng.
    • Gửi một đường dẫn hoặc mã QR qua các tài khoản Messenger, Zalo, Facebook (các đường dẫn, mã QR độc hại này được ngụy trang dưới hình thức chạy quảng cáo, truy cập để nhận thưởng, nhờ bình chọn cuộc thi,…) khi người dùng truy cập vào các đường dẫn hoặc quét mã QR thì các thông tin về tài khoản mạng xã hội và mật khẩu sẽ được gửi về cho đối tượng.
  • Sau khi chiếm đoạt được tài khoản, các đối tượng sẽ nhanh chóng thay đổi mật khẩu, email và xóa các thông tin xác thực của chủ tài khoản.
  • Cuối cùng, thông qua tài khoản đã chiếm đoạt được, các đối tượng sẽ nghiên cứu nội dung các tin nhắn, phong cách nhắn tin của nạn nhân, các mối quan hệ của nạn nhân và sẽ giả mạo nạn nhân để gửi đến tin nhắn đến bạn bè, người thân của họ để vay tiền, nhờ chuyển tiền tài khoản, mua thẻ điện thoại, thanh toán đơn hàng… nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

 

Thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mại giả tạo

Các đối tượng gửi tin nhắn qua điện thoại, tài khoản Messenger, Zalo hoặc gọi trực tiếp cho nạn nhân để thông báo nạn nhân đã trúng thưởng một khoản tiền, một quà tặng có giá trị lớn.

 

  • Sau khi trao đổi và đạt được niềm tin của nạn nhân, các đối tượng sẽ:
    • Lấy lý do là theo quy định của công ty, yêu cầu nạn nhân muốn nhận thưởng phải chuyển khoản vào tài khoản do các đối tượng chỉ định một khoản tiền để “đặt cọc” và hứa hẹn khoản tiền này sẽ được hoàn trả lại sau khi nhận thưởng. Nhưng sau khi nạn nhân chuyển khoản, các đối tượng nhanh chóng chặn cuộc gọi và cắt đứt mọi liên lạc với nạn nhân; hoặc
    • Yêu cầu nạn nhân truy cập đường dẫn để nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và mã OTP để nhận thưởng, nhưng thực chất các đối tượng đang thực hiện thao tác để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc chuyển tiền của nạn nhân đến tài khoản của các đối tượng nhằm mục đích chiếm đoạt.

 

Một số hành vi khác

Ngoài các hành vi điển hình nêu trên, các đối tượng còn rất nhiều thủ đoạn khác ngày càng tinh vi nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có thể kể đến như: Giả danh là nhân viên nhà mạng yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa sim; Giả danh là nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản; Đăng tin tuyển dụng cộng tác viên “việc nhẹ lương cao” - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn; Lừa đảo đầu tư chứng khoán quốc tế, tiền ảo,…

Số nạn nhân của loại tội phạm này ngày càng gia tăng, nó không chỉ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản mà còn gây ra nhiều hoang mang, hoảng loạn cho người dân.

 

Lừa đảo trên không gian mạng bị xử lý như thế nào?

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

 

Tùy vào hành vi cụ thể và mức độ nghiêm trọng của vụ việc mà các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng có thể bị xử lý như sau:

 

Xử phạt vi phạm hành chính

Điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: “người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị: “phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng” và còn có thể bị: “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm”.

 

Truy cứu trách nhiệm hình sự:

Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tùy từng trường hợp, mức hình phạt cao nhất đối với tội phạm này là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Vậy chúng ta cần làm gì để phòng tránh trở thành nạn nhân của loại tội phạm này?

  • Luôn giữ cảnh giác với người lạ liên hệ với bạn qua điện thoại và các nền tảng mạng xã hội.
  • Luôn cân nhắc và cẩn trọng đối với việc chia sẻ thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào cho người khác.
  • Tuyệt đối không truy cập vào những đường dẫn lạ hoặc tải những phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc.
  • Kiểm tra, xác minh thông tin của đối tượng liên hệ với bạn và tính chính xác của bất kỳ thông tin nhận được qua điện thoại, mạng xã hội để xác định thông tin đó có đúng sự thật hay chưa trước khi cung cấp thông tin hay thực hiện bất kỳ hành động nào tiếp theo.
  • Chỉ thực hiện giao dịch chuyển tiền khi xác định chắc chắn định danh của người mình trao đổi.
  • Cảnh giác với các lời hứa và cam kết không rõ ràng hoặc quá hấp dẫn và những yêu cầu chuyển tiền hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc.

 

Cần làm gì khi phát hiện bị lừa đảo trên không gian mạng?

  • Trong trường hợp bạn nghi ngờ bản thân hoặc người thân đang bị lừa đảo và đối mặt với yêu cầu tống tiền hoặc chiếm đoạt tài sản, hãy giữ bình tĩnh và đặt sự an toàn cá nhân lên hàng đầu.
  • Ngừng cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc chuyển khoản tiền, gửi hàng cho các đối tượng.
  • Trường hợp đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc đã chuyển tiền cho các đối tượng hãy ngay lập tức liên hệ với ngân hàng và tổ chức tài chính để báo cáo hành vi lừa đảo, yêu cầu họ ngừng mọi giao dịch và tạm khóa tài khoản của bạn.
  • Thu thập và lưu lại thông tin liên quan, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan Công an nơi bạn cư trú.
  • Cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo này để họ có thể đề phòng những trò lừa đảo tiếp theo có thể xảy ra.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của YBS Law Firm, nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ thủ tục pháp lý khác, vui lòng liên hệ với trực tuyến với chúng tôi hoặc qua hotline số 0911 53 88 35 hoặc qua email info@ybsvn.com.

 

Trân trọng,

YBS Law Firm.

Người viết: Bích Phượng